Tuesday, March 31, 2015

Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Cồng chiêng Tây Nguyên là loại nhạc cụ độc đáo, đặc sắc và đa dạng. Cồng chiêng là biểu tượng của miền đất Tây Nguyên anh hùng, khí phách - là món ăn tinh thần đặc biệt của con người Tây Nguyên.

Cồng chiêng là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, chiêng không núm. Nhạc cụ này có nhiều kích cỡ, đường kính từ 20cm đến 60cm, loại cực đại từ 90cm đến 120cm. Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, bộ từ 2 đến 12 hoặc 13 chiếc, thậm chí có nơi từ 18 đến 20 chiếc.Cồng chiêng Tây Nguyên độc đáo ở dàn âm sắc riêng biệt, đặc trưng. Có nhiều phong cách chơi cồng chiêng khác nhau rất đa dạng, nhưng cũng rất bài bản.
Cồng chiêng Tây Nguyên được hình thành vào khoảng thời văn hóa Đông Sơn - nền văn hóa rực rỡ với sự phát triển của kỹ thuật luyện kim đồng thau.
Không gian văn hóa cồng chiêng trải rộng suốt 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) và chủ nhân của nó là các dân tộc Bana, Xê-đăng, M nông, Cơho, Ê đê, J’rai…
Mỗi bộ cồng chiêng thể hiện sự giàu có, trù phú của nhân dân Tây Nguyên, và theo họ đây là vật kết nối giữa con người với thần thánh. Do vậy mà cồng chiêng thường được sử dụng trong các nghi lễ tâm linh quan trọng của bản làng. 
Cồng chiêng có mặt trong đời sống sinh hoạt của nhân dân Tây Nguyên: trong lễ cưới hỏi, ma chay, trong lễ hội, âm thanh vang vọng của cồng chiềng làm hăng say lòng người trong mỗi dịp ganh đua săn bắt...
Sự hào hùng của tiếng cồng tiếng chiêng đã thể hiện khí phách anh hùng và đời sống lạc quan, tự do, bản chất kiên cường khí phách của dân tộc Tây Nguyên. Và tiếng vang hào hùng ấy đã đi vào thơ văn để lại những kiệt tác văn học đầy chất nghệ thuật, những bản trường ca, sử thi còn lưu giữ tiếng trống cho ngàn đời sau.
Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên xứng đáng được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

No comments:

Post a Comment